Cây macca được gọi là cây tỷ đô và với một nước rừng vàng biển bạc, Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển cây macca.
Lịch sử phát triển cây macca ở Việt Nam
10 cây macca đầu tiên đã được Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng thuộc Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam gieo từ hạt và trồng thử tại Ba Vì (Hà Nội) vào năm 1994, đến năm 1999 một số cây bắt đầu cho quả, năm 2010 có 2 cây đã đạt 10 kg quả/cây/năm và năm 2013 đạt 20 kg/cây
Năm 2003, Australia đã tặng nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn 100 cây ghép thuộc 4 dòng và 500kg hạt macca , Phó Thủ tướng đã giao cho Công ty CP XNK nông lâm sản chế biến trồng tại Ba Vì (Hà Nội).
Năm 2002 – 2003 một số đơn vị nhập giống macca trồng thử nghiệm ở Con Cuông (Nghệ An), Tràng Định (Lạng Sơn), Xí nghiệp giống cây lâm nghiệp Lạng Sơn. Năm 2006 tại Lâm trường Con Cuông (Nghệ An) trồng 41 cây dòng OC sau 4 năm 35 cây đã cho quả, 36 cây H7 có 5 cây đã cho quả và 6 cây H2 có 4 cây đã cho quả.
Thực hiện đề tài “Khảo nghiệm giống và nhân giống sinh dưỡng macca ở Việt Nam” giai đoạn 2002 – 2005, đầu năm 2002 Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam nhập thêm 9 dòng sai quả bằng cây ghép của Úc bao gồm các dòng: 246; 344; 741; 294; 816; 849; 856; NG8, Dadow và 2 dòng của Trung Quốc là OC, A800. Đây là nguồn giống quan trọng để tiếp tục công tác cải thiện giống macca ở nước ta. Ở giai đoạn này Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng đã trồng khảo nghiệm được 8,0 ha dòng vô tính macca tại 7 địa điểm là Ba Vì (Hà Nội); Uông Bí (Quảng Ninh); Mai Sơn (Sơn La); Đồng Hới (Quảng Bình); Krông Năng (Đắc Lắc); Đắc Plao (Đắc Nông); Đại Lải (Vĩnh Phúc).
Năm 2003 Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam đã nhập 70 kg hạt gieo ươm cây con làm gốc ghép và năm 2005 nhập được 100 kg hạt macca của 2 giống sai quả phục vụ cho trồng khảo nghiệm hậu thế chọn cá thể sai quả ở giai đoạn tiếp theo.
Năm 2005 Công ty VINAMACCA tham gia và thực hiện dự án CARD (mã số 037/VIE/05) do Chính phủ Úc phối hợp cùng Bộ Nông Nghiệp & PTNT tài trợ. Thông qua dự án, Chính phủ Úc cung cấp nguồn giống macca (10 dòng: 816, 849, 842, 814, 246, 344, 741, A4, A38 và A16) để làm mẫu cây đầu dòng. Bên cạnh đó, Công ty còn nhập 13 dòng khác từ các nước Trung Quốc, Thái Lan, Hawai (Mỹ), gồm các dòng: OC, 800, 788, 508, QN1, Dadow, 660, A268,….
Từ nguồn giống hợp tác và các dòng nhập khác, đến nay Công ty đã xây dựng được vườn cây đầu dòng với diện tích 0,3 ha và 02 vườn ươm quy mô 150.000 cây/năm tại huyện Yên Thủy – tỉnh Hòa Bình và huyện Krông Năng – tỉnh Đắk Lắc để phát triển giống. Từ năm 2010 đến nay, Công ty sản xuất bình quân mỗi năm khoảng 70.000 -80.000 cây con (cây ghép) phục vụ phát triển trên toàn quốc. Các cây đầu dòng sau 3 năm đã cho quả với năng suất khá (1,5-3,5 kg/cây).
Cùng với việc cung cấp giống, Công ty còn cung cấp hướng dẫn kỹ thuật, phổ biến, tư vấn về trồng, chăm sóc,..cây macca cho nhiều hộ dân mua giống cũng như có ý định đầu tư trồng macca.
Viện khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên bắt đầu những nghiên cứu về cây macca từ năm 2002. Trong năm 2002, Viện đã tiến hành trồng thử nghiệm 1 ha macca, giống cây chiết cành có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hiện tại vườn cây sinh trưởng tốt và đã cho quả được 3 vụ. Từ vườn tập đoàn giống có nguồn gốc Trung Quốc, Viện đã chọn ra được 3 dòng có triển vọng là H2, OC và 508, và tiếp tục mở rộng diện tích khảo nghiệm 3 dòng này để tiếp tục theo dõi, đánh giá.
Song song với việc đánh giá tập đoàn từ cây vô tính, Viện khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên còn tiến hành nghiên cứu chọn lọc cây trội macca từ vườn tập đoàn trồng bằng hạt. Các thí nghiệm chọn lọc cây trội được tiến hành trên 2 vùng là: Buôn Ma Thuột – Đắc Lắc và Iakrai – Gia lai. Trong quá trình theo dõi cho thấy, với điều kiện Tây Nguyên, cây thực sinh đã sinh trưởng tốt và cho quả sau 4 năm trồng. Hiện tại đã chọn được 6 cá thể trội từ vườn thực sinh cho năng suất từ 2,5 – 5kg hạt/cây/năm sau 5 năm trồng.
Năm 2008, Dự án ” tăng cường năng lực ngành giống lâm nghiệp Việt Nam” do Chính phủ Đan Mạch tài trợ đã hỗ trợ xây dựng một vườn giống vô tính macca trên diện tích 2 ha tại Trung tâm sản xuất giống Ba Vì (Hà Nội) với 9 dòng có triển vọng nhất.
Sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận một số giống macca mới, Dự án: “Xây dựng mô hình trồng thâm canh cây macca tại Tây Bắc và Tây Nguyên” giai đoạn 2012-2014, do Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông lâm sản chế biến thực hiện đã được triển khai. Dự án thuộc chương trình khuyến nông Trung ương, giai đoạn 2012-2014, thực hiện theo Quyết định số 3124/QĐ-BNN-KHCN ngày 19/12/2011 về việc Phê duyệt danh mục chương trình, dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2012-2005 của Bộ NN&PTNT. Quy mô vốn dự án là 14,444 tỷ đồng, vốn 100% thuộc ngân sách. Mục tiêu tổng quát của Dự án là xây dựng được các mô hình sử dụng giống macca ghép có năng suất cao, các giống đã được công nhận sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Mục tiêu cụ thể là:
- Xây dựng được 465,4 ha mô hình trồng thâm canh cây macca (338 ha thuần loài, 127 ha xen canh) trên 10 tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên, đảm bảo tỷ lệ sống trên 95%, cho năng suất cuối năm thứ 3 đạt tối thiểu 100 kg/ha.
- Đào tạo tập huấn mô hình cho những hộ tham gia trồng cây macca cho 1.000 lượt người/40 lớp
- Đào tạo nhân rộng và tham quan cho khoảng 900 người/30 lớp.
- Tài liệu hóa 10 bài tài liệu thông tin tuyên truyền cho 10 tỉnh, mỗi tỉnh 5 lượt phát trên chuyên mục thông tin đại chúng và 90 bảng Pa nô.
Cùng với hoạt động nghiên cứu, phát triển, trong các năm qua cũng có một số sách và bài viết về cây macca và kỹ thuật trồng cây này, trong đó có quyển ”Cây macca- cây quả khô quý hiếm, dự báo khả năng phát triển ở các vùng miền núi Việt Nam” (NXB Nông nghiệp, 2003) và cuốn “kỹ thuật trồng cây macca ở Việt Nam (NXB Nông nghiệp, 2005) do Nguyễn Công Tạn biên soạn, quyển “Trồng cây macca ở Australia” do Lê Đình Khả dịch (NXB Nông nghiệp, 2003), và quyển ” Ngành công nghiệp macca trên thế giới và những bài học cho Việt Nam” của Hoàng Hòe đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao hiểu biết về loài cây này.
Vài ba năm trở lại đây do công tác thông tin tuyên truyền về cây macca tương đối rộng rãi và kết quả khả quan của một số mô hình thực tế ở các địa phương, nên các hộ dân và công ty bắt đầu quan tâm đầu tư vào việc trồng macca ở nước ta, Ví dụ ở vùng Tây Nguyên, có Công ty Nữ hoàng macca đầu tư dự án 1000 ha, ở vùng Tây Bắc có Công ty macca Điện Biên đầu tư dự án 4000 ha…
Như vậy có thể thấy quá trình du nhập, thử nghiệm và phát triển các dòng macca vào Việt Nam tính từ 1994 đến nay mới được tròn 20 năm, trong khi cây macca là một loài cây gỗ có tuổi đời rất dài và việc gây trồng đòi hỏi kỹ thuật nghiêm ngặt, nên có thể đánh giá Việt Nam tuy vào cuộc muộn hơn một số nước khác, nhưng đã có bước đi khá nhanh chóng thể hiện là đã có 10 giống được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận đưa vào sản xuất ở những vùng phù hợp và đã cơ bản xác định được các vùng trồng macca thích hợp ở nước ta, đồng thời sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp bắt đầu khởi sắc.
Hiện trạng gây trồng macca ở Việt Nam
Diện tích macca ở Việt Nam từ năm 2000 tăng dần theo thời gian, đến nay tổng diện tích đạt khoảng 2.000 ha trồng tập trung. Trong đó, diện tích cây trên 6 tuổi chỉ chiếm khoảng 2% với chủ yếu là vườn thử nghiệm của các đề tài, dự án. Số còn lại tập trung vào 1-3 năm gần đây khi người dân thấy hiệu quả kinh tế cao. Do đó sản lượng đến nay là không đáng kể.
Theo kết quả điều tra của nhóm xây dựng đề án quy hoạch phát triển macca vùng Tây Nguyên của Viện Điều tra và Quy hoạch rừng (thuộc Tổng cục Lâm nghiệp), diện tích trồng cây macca ở 5 tỉnh vùng Tây Nguyên đến tháng 9/2016 khoảng 1.630 ha, gồm Kon Tum 50 ha, Gia Lai 80 ha, Đắk Lắk 500 ha, Đắk Nông 600 ha và Lâm Đồng 400 ha.
Cũng theo kết quả điều tra này, năng suất macca được trồng khảo nghiệm và người dân tự trồng tại cả 5 tỉnh vùng Tây Nguyên đã cho những kết quả khả quan. Ví dụ: Vườn cây 7 năm tuổi tại Phú Lộc, Krông Năng, Đắk Lắk cho năng suất bình quân 20 kg quả/cây, 8 năm tuổi cá biệt có cây cho 32,5 kg. Thu hoạch cả vườn trồng xen 1,3 ha với cà phê, được 2,5 tấn hạt (cho thu 375 triệu) với năng suất cà phê không thay đổi; vườn cây 5 tuổi tại xã Thạch Mỹ, Đơn Dương, Lâm Đồng cho thu hoạch bình quân 7 kg/cây. Cây trồng phân tán theo hàng 4 tuổi tại Đắk Hring, Đắk Hà, Kon Tum cho bình quân 10 kg/cây, có cây đạt 28,5 kg;…
Tại vùng Tây Bắc, việc phát triển cây macca còn chậm so với vùng Tây Nguyên. Tổng diện tích trồng macca toàn vùng ước đạt khoảng 600 ha, trong đó ngoài một số hộ dân trồng tự phát với diện tích không đáng kể, hiện tại mới có Công ty macca Điện Biên đã được UBND tỉnh Điện Biên cấp giấy phép đầu tư dự án 4.000 ha, đến nay Công ty đã trồng được 70 ha đầu tiên và xây dựng vườn ươm sản xuất giống. Ở Lai Châu, Công ty An Minh Châu mới bước đầu làm thủ tục để xây dựng dự án trồng 3.000 ha macca, chưa có kết quả cụ thể. Dự án khuyến lâm phát triển macca vùng Tây Bắc mới bắt đầu trồng các mô hình từ năm 2012 đến hết 2013 được hơn 100 ha.
Ngoài ra, ở một số địa phương vùng Bắc Trung bộ cũng có một số diện tích trồng macca do các hộ dân trồng tự phát, nhỏ lẻ, không đáng kể.
Về phương thức trồng macca. Hiện nay ở Việt Nam có 2 phương thức trồng chủ yếu:
- Trồng thuần là trồng các dòng giống khác nhau của loài macca trên diện tích đất trống hoặc trên đất phá bỏ các loài cây công nghiệp đã già cỗi, kém hiệu quả kinh tế như cà phê, điều, cao su… Hoặc trên đất cây nông nghiệp ngắn ngày trên vùng đồi, thoát nước có khả năng trồng được macca. Như tại vùng Tây Nguyên chủ yếu là diện tích rừng, các diện tích còn lại chủ yếu đã trồng cây nông nghiệp, công nghiệp nên diện tích trồng mới thuần loài macca khá ít với 16/58 mô hình (chiếm 27%).
- Trồng xen canh với các loài cây hiện có cần được che bóng. Các loài cây hiện có có thể xen canh được với cây macca gồm: Cây cà phê (chủ yếu), chè, tiêu và cây ăn quả, ngoài ra còn xen canh với cây nông nghiệp, công nghiệp ngắn ngày. Đặc biệt ở vùng Tây Nguyên, người dân rất ưa thích trồng cây macca với cây cà phê chè hoặc cà phê vối. Kết quả điều tra của nhóm xây dựng đề án quy hoạch phát triển macca vùng Tây Nguyên ghi nhận được 41/58 (chiếm 71%) mô hình trồng xen macca.
Bên cạnh hai phương thức trồng nêu trên, người dân còn trồng phân tán ven đường, ven nương rẫy và xung quanh nhà. Kết quả điều tra ở Tây Nguyên có 1/58 mô hình (chiếm 2%). Cây trồng phân tán thường khỏe mạnh, xum xuê và cho năng suất cao hơn.
Về các dòng, giống: Hiện tại Việt nam có khoảng trên 30 dòng, giống macca. Các dòng, giống được nhập từ các cá thể mẹ ưu trội:
- Từ Úc, gồm các dòng như 246, 344, 741, 816, 842, 849, A4, A16, A38,…
- Từ Trung Quốc như: QN1, Dadow, 788, 800, 695,…
- Hawai (Mỹ) gồm các dòng: HMAC38, 294, 788, 756, 508, 344,…
Trong đó nhiều dòng tỏ ra phù hợp với các tiểu vùng sinh thái và có sinh trưởng, sản lượng khá như các dòng 482, 714, 900, 800, 695 cho vùng Ba Vì và những vùng có điều kiện sinh thái tương tự (theo QĐ số 2039-BNN-TCLN ngày 01/9/2011), các dòng OC, 246, 816, 849 cho huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk và các vùng có điều kiện sinh thái tương tự (theo QĐ số 2040-BNN-TCLN ngày 01/9/2011). Bên cạnh đó có nhiều dòng khác cũng tỏ ra khá tốt như A38, 788, QN1, Dadow,…cho các vùng sinh thái khác nhau.
Về sản xuất cây giống:
Gần đây, đã có nhiều vườn ươm được hình thành để sản xuất giống cây con phục vụ nhu cầu mở rộng diện tích trồng cây macca của nhân dân các tỉnh có khả năng phát triển macca. Lượng giống được cung cấp hàng năm trong 3-4 năm trở lại đây trên toàn quốc khoảng 150.000 cây ở khoảng 20 vườn ươm. Cây con được sản xuất chủ yếu là cây ghép của các dòng có ưu thế nêu trên tại các vùng cụ thể [13]. Tuy nhiên, năng lực sản xuất cây giống của các cơ sở trong cả nước hiện nay có thể đạt đến 500.000 cây/năm đủ để trồng khoảng 2.000 ha/năm [14].
Về công tác khuyến nông cho phát triển cây macca:
Kết quả điều tra tại vùng Tây Nguyên của Viện Điều tra và Quy hoạch rừng thể hiện tại bảng 14. Người dân vẫn còn thiếu các thông tin về kỹ thuật, thị trường, đặc biệt là nguồn gốc về giống cây trồng và thị trường sản phẩm khi trồng nên họ trồng với phương châm trồng thử. Tuy nhiên cũng có một số gia đình, công ty đã tìm hiểu khá kỹ và mạnh dạn quyết định đầu tư với diện tích lớn (như gia đình anh Đồng Hữu Công, tại huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai trồng 3 ha xen canh với cây cà phê vối và 10 ha trồng thuần; Công ty Nữ Hoàng đang xây dựng vùng trồng 500 ha tại huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông,…). Đáng chú ý là người dân biết được qua tivi, internet khá nhiều thông qua các buổi phát của mục Nhà nông ở các kênh phát sóng của đài VTV và các đài truyền hình địa phương.
Thuận lợi và khó khăn trong chính sách đối với cây macca
Hiện tại các chính sách cho cây macca đã và đang phát huy hiệu quả như chọn được các dòng giống cho một số vùng, xây dựng được các mô hình, các phương thức trồng cây macca. Công tác quy hoạch chỉ ra được các vùng phù hợp và định hướng được quy mô, nội dung và tiến độ phát triển cây macca cho vùng Tây Nguyên và Tây Bắc. Những chính sách đó là cơ sở chứng minh việc phát triển cây macca ở các vùng phù hợp là rất khả thi. Về công tác giao đất nông lâm nghiệp, qua một quá trình dài thực hiện, đại bộ phận tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đã có qũy đất đai ổn định, đây là cơ sở quan trọng cho việc đầu tư sản xuất kinh doanh macca.
Tuy nhiên, macca là cây trồng mới ở Việt Nam, chỉ phát triển được trên những tiểu vùng có phạm vi nhất định, lại sau một thời gian dài mới cho sản phẩm. Trong khi ở Việt Nam người tiêu dùng chưa quen với các sản phẩm macca, người dân còn thiếu thông tin cần thiết để gây trồng macca đạt hiệu quả cao, doanh nghiệp chưa có niềm tin để mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực mới này. Vì vậy, cần thêm thời gian và sự quan tâm của các cấp chính quyền.
Đề xuất và kiến nghị các giải pháp cho phát triển macca tại Việt Nam
- Giải pháp về quy hoạch và đất đai
- Trên cơ sở quy hoạch định hướng phát triển cây macca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, đặc biệt là phân vùng thích nghi phát triển cây macca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, các địa phương chỉ đạo thực hiện công tác lập Dự án đầu tư phát triển cây macca toàn tỉnh hoặc từng vùng gắn với công tác chế biến làm cơ sở đầu tư sản xuất kinh doanh.
- Thực hiện rà soát quy hoạch lại hệ thống nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị định 200/2004/NĐ-CP, nếu những diện tích quản lý, kinh doanh không hiệu quả, người dân xâm lấn, đánh giá lại nhu cầu sản xuất đất đai của người dân để chuyển những diện tích này sang đất nông nghiệp.
- Tiếp tục thực hiện triệt để việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp gắn với giao rừng đến các tổ chức, hộ gia đình theo quy định của Thông tư liên tịch số 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 29 tháng 01 năm 2011 về việc Hướng dẫn một số nội dung về giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp. Đặc biệt là đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý chưa giao cho chủ cụ thể để giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh. Trước mắt ưu tiên thực hiện công tác giao đất tại các vùng thích hợp và rất thích hợp với cây macca để có cơ sở đầu tư sản xuất macca và có cơ sở pháp lý để vay vốn sản xuất.
- Tiếp tục thực hiện công tác giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích nông nghiệp theo Nghị định số 64/CP của Chính phủ.
- Giải pháp về cơ chế chính sách
- Chính sách về đất đai: Đẩy mạnh công tác giao đất trồng cây macca bằng nguồn hỗ trợ của các Dự án hỗ trợ phát triển trong và ngoài nước.
- Có chính sách cụ thể về vay vốn, hỗ trợ lãi suất vốn vay cho phát triển nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là ở vùng dân tộc khó khăn thuộc Chương trình 30a, hỗ trợ xúc tiến thương mại đầu tư, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản phẩm nông nghiệp,…
- Chính sách về hỗ trợ công tác khuyến nông khuyến lâm trong những năm đầu, chính sách hỗ trợ cây giống ban đầu cho các vùng đồng bào dân tộc nghèo, biên giới.
- Xây dựng chính sách đặc thù về phát triển cây macca trên vùng đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng như hỗ trợ cây giống, khuyến nông khuyến lâm, về tín dụng đầu tư vì cây macca là cây đa tác dụng, cây lâm nghiệp tạo môi trường sinh thái như rừng.
- Giải pháp về nguồn nhân lực
- Tận dụng nguồn lao động đang sản xuất cho các loài cây khác vì mùa chăm sóc, thu hoạch cây macca ít trùng với các mùa vụ chăm sóc, thu hoạch cây công nghiệp (chủ yếu là cà phê) trên địa bàn, góp phần tăng thu nhập cho lao động.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp, đặc biệt là ở cấp xã và những hộ dân, doanh nghiệp trực tiếp tham gia phát triển cây macca.
- Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm bằng việc tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và xử lý, bảo quản sản phẩm, phòng trừ sâu bệnh hại, học tập các mô hình sản xuất trồng cây macca.
- Đào tạo, tập huấn kỹ thuật chế biến, bảo quản và thông tin thị trường sản phẩm trong và ngoài nước.
- Đầu tư cho nhân lực nghiên cứu chuyên sâu, trình độ cao để trở thành các chuyên gia, nhà tư vấn về cây macca một cách đồng bộ các khâu sản xuất, chế biến, sâu bệnh, …
- Thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học, học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước về cây macca.
- Đầu tư thoả đáng cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
- Giải pháp về vốn đầu tư
- Vốn ngân sách nhà nước
- Vốn tín dụng
Vốn vay tín dụng trong nước: Bao gồm các hạng mục công việc: Vốn đầu tư cho rừng sản xuất như cải tạo rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; trồng rừng sản xuất, nông lâm kết hợp.
Vốn vay tín dụng trong nước: Bao gồm các hạng mục công việc: Vốn đầu tư cho rừng sản xuất như cải tạo rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; trồng rừng sản xuất, nông lâm kết hợp.
Các ngồn vốn vay gồm: cho trồng rừng sản xuất theo Cơ chế trồng rừng số 95/CP-NN, ngày 23/1/2003 của Chính phủ, vốn vay của các doanh nghiệp theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; vốn vay tín dụng theo Nghị định 61/2010/NĐ-TTg ngày 04/6/2010. Đây là các nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo chủ trương của nhà nước cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cải tạo môi trường.
- Vốn tự có của dân và của doanh nghiệp, vốn liên doanh liên kết
Ngoài vốn ngân sách và vốn vay tín dụng đầu tư cho các hạng mục như đã nêu ở trên, các doanh nghiệp và các hộ gia đình, cá nhân sử dụng vốn tự có và góp vốn thông qua công lao động, vốn góp, vốn liên doanh liên kết phát triển và chế biến sản phẩm macca.
- Giải pháp về thương mại và xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm
- Nghiên cứu thị trường tiêu thụ sản phẩm, đa dạng sản phẩm sau chế biến, sản phẩm phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…để sản phẩm dễ dàng tiêu thụ ở thị trường nội địa và xâm nhập thị trường quốc tế.
- Tăng cường công tác thông tin kinh tế, nhất là thông tin về thị trường, giá cả để người sản xuất nắm bắt kịp thời, xác định được kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.
- Đẩy mạnh tiếp thị, quảng cáo, thiết lập mạng lưới thu mua hàng hoá, phân phối và bán sản phẩm ở trong nước và quốc tế. Tăng cường liên doanh với các đối tác đã có kinh nghiệm sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm (đầu tư, bảo hộ, bao tiêu sản phẩm…) giữa các cơ sở chế biến với người dân trồng cây macca theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về chính sách tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.
- Tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng về xúc tiến đầu tư thương mại trung ương và các tỉnh để tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.
- Xây dựng chính sách khuyến mại, nhằm khuyến khích xuất khẩu dựa trên một số ưu đãi về vốn, thuế và các điều kiện phục vụ hoạt động kinh doanh. Thành lập quỹ cho hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các đơn vị tham gia sản xuất – xuất khẩu.
- Xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác thị trường, xúc tiến thương mại trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm macca trên địa bàn.
- Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các khâu trong quá trình sản xuất ngay từ khi cung ứng nguyên liệu, vật tư, kỹ thuật, tổ chức sản xuất cho đến tiêu thụ sản phẩm. Hệ thống dịch vụ cần được sắp xếp, tổ chức, quản lý và phát triển theo hướng gắn kết chặt chẽ với người sản xuất, hình thành đại lý cung ứng vật tư nguyên liệu, thiết bị kỹ thuật, mua và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là đối với sản phẩm xuất khẩu.
- Xây dựng mạng lưới thu mua và tiêu thụ macca ở các trung tâm thương mại ở cấp huyện và các trung tâm tiểu vùng, giúp các xã xây dựng mới hoặc mở rộng trao đổi mua bán hàng hoá nông lâm sản.
- Liên doanh và ký kết hợp đồng tiêu thụ nhân macca ở những cơ sở chế biến bánh kẹo, dầu ở trong nước, giúp người tiêu dùng trong nước làm quen với sản phẩm và từng bước định hướng và chiếm lĩnh thị trường nội địa.
- Thực hiện bảo hiểm nông nghiệp đối với công tác phát triển cây macca, phòng tránh rủi do do thiên tai và biến động của thị trường.
Vận dụng các chính sách hiện có và đề xuất, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn chỉnh các chính sách mới nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc phát triển sản phẩm, gồm:
Vốn cho trồng rừng sản xuất, khuyên lâm và các hỗ trợ khác theo Thông tư số 03/2012/TTLT-BKHĐT-BNNPTNT-BTC ngày 05 tháng 6 năm 2012 hướng dẫn thực hiệnQuyết định 147/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg, vốn cho hỗ trợ xóa nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, vốn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 61/2010/NĐ-TTg.
Các định hướng về khoa học công nghệ phục vụ phát triển macca ở Việt Nam
- Ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong việc chọn giống, tạo giống có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái. Các nhà chọn giống cho biết, qua theo dõi 6-7 năm trồng ở Việt Nam, trong số giống macca được nhập nội, có những giống như 816, 842, 849, 695, 788, 900, OC, 741, Daddow… được đánh giá tốt. Tuy nhiên theo tiêu chuẩn chọn giống của nhiều nước, thì một giống macca tốt trong tương lai phải có năng suất cao (trên 5 tấn hạt/ha/năm), bắt đầu cho thu hoạch sau 3-4 năm trồng, năm thứ 10 năng suất đạt 5 tấn hạt/ha/năm và từ năm thứ 14-15 trở đi, năng suất phải cao hơn nữa, có khả năng đạt 15 tấn hạt/ha/năm. Ngoài năng suất ra, giống tốt phải có chất lượng nhân hạt đạt tiêu chuẩn, đặc biệt là phải có tỷ lệ thu hồi nhân cao (trên 40%), cũng như các chỉ tiêu khác như hàm lượng dầu trên 80%, tỷ lệ chất béo không no cao…
- Một hướng đi có triển vọng là áp dụng các chất kích thích sinh học để tăng tỷ lệ ra hoa và đậu quả của macca đến 25%.
- Nghiên cứu, chuyển giao các phương thức hỗn giao các dòng giống macca trên 1 vườn, nghiên cứu mô hình kinh doanh tổng hợp Nông – Lâm – Súc tạo vùng nguyên liệu có chất lượng tốt, năng suất cao, hiệu quả tổng hợp.
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu bảo quản giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch cho sản phẩm như các phương pháp bảo quản, phơi khô, sấy khô, lưu trữ kho…
- Nghiên cứu, chuyển giao, phổ biến công nghệ, kỹ thuật sơ chế và chế biến sản phẩm cuối cùng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, chế phẩm, hàng hóa và phục vụ đa dạng nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế như sản bánh kẹo, thức ăn, dầu ăn, dầu dưỡng da,…
- Lựa chọn các dây chuyền công nghệ tiên tiến trong chế biến, sản xuất sản phẩm macca, đón đầu công nghệ tiến tiến. Tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, giá cạnh tranh, tiết kiệm nguyên liệu và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ về ô nhiễm môi trường.
- Nghiên cứu, chuyển giao các phương thức sử dụng các sản phẩm phụ như vỏ quả, vỏ hạt, gỗ cây macca và các mô hình sản xuất kết hợp vật nuôi, cây trồng và các vai trò khác của cây macca như vai trò phòng hộ, cải tạo đất, lượng tồn trữ các bon và cảnh quan môi trường.